Mã số mã vạch của hàng hoá là một dãy con số dùng để phân định hàng hoá, áp dụng trong quá trình luân chuyển hàng hoá từ người sản xuất, qua bán buôn, lưu kho, phân phối, bán lẻ tới người tiêu dùng là công cụ để doanh nghiệp quản lý hàng hóa có hệ thống và hiệu quả. Tư vấn Blue xin chia sẻ với quý vị các thông tin liên quan đến trình tự và thủ tục cấp mã số, mã vạch như sau.
Các cơ quan trong hệ thống cấp mã số mã vạch.
Đây là các cơ quan thực hiện chức năng cấp mã số mã vạch cho doanh nghiệp, căn cứ theo quy định tại Quyết định 73/QĐ-TĐC ban hành hướng dẫn thủ tục cấp mã số mã vạch, hệ thống cấp mã số mã vạch ở Việt Nam bao gồm các tổ chức sau:
– Tổ chức tiếp nhận hồ sơ mã số mã vạch: Đây là tổ chức thực hiện việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chỉ định, có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ, tiếp nhận, xử lý hồ sơ và chuyển hồ sơ đến Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Ở Việt Nam hiện nay tổ chức trực tiếp tiếp nhận hồ sơ đăng ký mã số mã vạch là Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nói cách khác nếu doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký mã số mã vạch thì sẽ gửi hồ sơ tới tổ chức này để được tiếp nhận.
– Tổ chức thẩm xét hồ sơ mã số mã vạch: Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Tại đây hồ sơ của Doanh nghiệp sẽ được thẩm định về mặt nội dung để xác định có đủ điều kiện để cấp mã số mã vạch hay không.
– Cơ quan cấp mã số mã vạch: Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chính là cơ quan thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch cho doanh nghiệp.
Hồ sơ đăng ký mã số mã vạch.
Để thực hiện đăng ký mã số mã vạch doanh nghiệp cần phải chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
– 02 bản đăng ký sử dụng mã số mã vạch.
– 02 Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh đối với doanh nghiệp (bản sao). Đối với các tổ chức khác thì cần nộp bản sao có chứng thực Quyết định thành lập (01 bản).
– 02 bản đăng ký danh mục sản phẩm sử dụng Mã toàn cầu phân định thương phẩm (GTIN) theo mẫu quy định.
Sau khi nộp hồ sơ đăng ký mã số mã vạch tại Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hồ sơ sẽ được đánh giá, thẩm định. Trong vòng 5 – 7 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, khách hàng sẽ được cấp Mã số doanh nghiệp cùng phiếu hẹn ngày nhận giấy chứng nhận chính thức.
Trình tự, thủ tục cấp mã số mã vạch.
Về cơ bản các doanh nghiệp thực hiện đăng ký mã số mã vạch cần phải thực hiện các bước sau đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký mã số mã vạch
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký mã số mã vạch tại tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Trung tâm Tiêu chuẩn Chất lượng tại Hà Nội hoặc Trung Tâm Kỹ Thuật Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng Thành phố Hồ Chí Minh.
Tổ chức tiếp nhận sẽ có trách nhiệm hướng dẫn doanh nghiệp, đồng thời tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký mã số mã vạch mà doanh nghiệp gửi tới.
Nếu hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ này, Tổ chức tiếp nhận sẽ gửi hồ sơ tới Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ về mặt hình thức có thể thông báo cho doanh nghiệp để tiến hành sửa đổi bổ sung.
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành Thẩm xét hồ sơ đăng ký.
Kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ do tổ chức tiếp nhận gửi tới, trong thời hạn 03 ngày, Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng sẽ tiến hành thẩm định, xem xét hồ sơ đăng ký mã số mã vạch, sau đó thực hiện đề xuất mã số doanh nghiệp và trình lên Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
Bước 3: Cấp mã số mã vạch cho doanh nghiệp.
Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng sẽ xem xét và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch cho Doanh nghiệp sau khi nhận đủ hồ sơ do Trung tâm Tiêu chuẩn chất lượng trình lên. Đồng thời ghi vào sổ đăng ký mã số mã vạch và gửi thông báo cấp mã số mã vạch tới doanh nghiệp và các tổ chức có liên quan.
Bước 4: Doanh nghiệp nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch.
Sau khi có thông báo từ Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng doanh nghiệp sẽ tiến hành nộp phí và lệ phí để được cấp mã số mã vạch. Sau khi thực hiện hoàn tất thủ tục nộp phí, lệ phí doanh nghiệp sẽ nhận được giấy hẹn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch chính thức.
Tổ chức trực tiếp thu phí là Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ thu phí. Mức phí cấp mã số mã vạch doanh nghiệp phải nộp được quy định cụ thể tại Điều 4 Thông tư 232/2016/TT-BTC, mức phí này sẽ phụ thuộc và loại mã số mã vạch cho đối tượng cụ thể mà doanh nghiệp đăng ký, ví dụ như: đối với mã số mã vạch sử dụng mã doanh nghiệp GS1 mức thu phí hiện nay là: 01 triệu đồng; với mã số mã vạch sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN) mức thu phí là 300 ngàn đồng; với mã số mã vạch sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8) mức thu phí là 300 ngàn đồng,…
Lưu ý: Ngoài nộp hồ sơ trực tiếp tại Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, hiện nay doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký mã số mã vạch online thông qua trang web của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Bắt đầu từ năm 2018, Trung tâm mã số mã vạch – GS1 Việt Nam đã triển khai hệ thống đăng ký mã số mã vạch online qua cổng thông tin: vnpc.gs1.org.vn . Để thực hiện đăng ký mã vạch online, doanh nghiệp cần thực hiện theo các quy trình sau:
+ Bước 1: Đăng ký một tài khoản trên trang web: vnpc.gs1.org.vn
+ Bước 2: Sau khi được xác nhận tài khoản và cấp cho tài khoản mới, doanh nghiệp thực hiện đăng ký tại mục hồ sơ.
+ Bước 3: Sau đó, trên giao diện web sẽ hiện ra hình thức thanh toán, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức thanh toán online hoặc thanh toán trực tiếp lệ phí.
+ Bước 4: Nộp hồ sơ giấy tại Phòng đăng ký GS1 Việt Nam.
+ Bước 5: Nhận mã số mã vạch và thực hiện các bước để tiến hành kê khai.
Trên đây là bài viết của Tư vấn Blue về vấn đề trình tự và thủ tục cấp mã số, mã vạch, nếu quý vị cần tư vấn thêm hãy liên hệ với Tư vấn Blue Nghệ An để được tư vấn miễn phí.