Quyền tác giả là quyền của tổ chức, các nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả được ghi nhận cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học như sách, bài giảng, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm sân khấu, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm tạo hình và mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm kiến trúc, phần mềm máy tính. Quyền tác giả tự động phát sinh từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, bất kể tác phẩm đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.
Quyền liên quan là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.
Thủ tục trước khi đăng ký bản quyền tác giả, quyền liên quan:
- Đánh giá tác phẩm có thuộc đối tượng được bảo hộ quyền tác giả hay không.
- Tìm hiểu và phân loại đối tượng, loại hình đăng ký phù hợp.
- Kiểm tra sơ bộ về khả năng đăng ký bản quyền tác giả.
- Chuẩn bị hồ sơ đăng ký.
- Nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tác giả.
Hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm
Trường hợp người đăng ký là chủ sở hữu đồng thời là tác giả, các đồng tác giả
- 03 bản mẫu tác phẩm cần đăng ký; tác phẩm đã được công bố hay chưa; thời gian công bố;
- 02 Bản sao chứng minh nhân dân của tác giả/các tác giả.
- Tên đầy đủ, bút danh (nếu có), địa chỉ, số điện thoại, fax của tác giả/các đồng tác giả;
- Giấy uỷ quyền của tác giả/ các tác giả (theo mẫu);
- Giấy cam đoan của tác giả độc lập sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai – 1 bản (theo mẫu);
Trường hợp người đăng ký là chủ sở hữu không đồng thời là tác giả ( tổ chức, công ty)
- 03 bản mẫu tác phẩm gốc;
- 01 Giấy ủy quyền của tổ chức, công ty ( theo mẫu);
- 01 bản sao công chứng CMND của tác giả tác phẩm;
- Giấy chứng nhận nhượng quyền sở hữu tác phẩm của tác giả, các đồng tác giả cho tổ chức, công ty ( 1 bản);
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập doanh nghiệp.
- Giấy cam đoan của tác giả, các đồng tác giả sáng tạo tác phẩm, không vi phạm bản quyền của ai ( theo mẫu).
- Các thông tin khác có liên quan.
Tờ khai đăng ký quyền tác giả
- Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả; Người biểu diễn, Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và Tổ chức phát sóng đăng ký quyền liên quan sử dụng mẫu tờ khai đăng ký quyền liên quan.
- Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được ủy quyền nộp hồ sơ ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn.
Nộp hồ sơ:
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng hoặc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch nơi tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cư trú hoặc có trụ sở. Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện.
Thời hạn đăng ký bản quyền tác giả, thời hạn bảo hộ quyền tác giả
- Thời hạn đăng ký: 15-20 ngày làm việc
- Thời hạn bảo hộ quyền tác giả /quyền liên quan:
- Quyền nhân thân của tác giả bao gồm: Quyền đặt tên cho tác phẩm; Quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả được bảo hộ vô thời hạn.
- Quyền Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản quy định có thời hạn bảo hộ như sau:
- Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 50 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn 50 năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình.
- Tác phẩm khác không thuộc các loại hình tác phẩm kể trên có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Liên hệ đến CÔNG TY TNHH TƯ VẤN BLUE để được tư vấn pháp luật miễn phí
Địa chỉ: Số 120B Nguyễn Sỹ Sách, TP Vinh, Nghệ An
Hotline: 0974 208 518 – 0947 502 028
Email: luatbluena@gmail.com