Khi tiến hành thành lập công ty có rất nhiều vấn đề các doanh nghiệp cần tìm hiểu, lựa chọn và quyết định. Một trong các yếu tố để thành lập được đó chính là lựa chọn loại hình doanh nghiệp như công ty TNHH 1 TV, công ty cổ phần…. Loại hình nào cũng có mặt mạnh của nó và cũng như mặt nhược mà loại hình khác không vướng phải. Công ty Tư vấn Blue Nghệ An xin được chia sẻ với quý vị một số thông tin về việc quy định của pháp luật về công ty TNHH một thành viên để quý vị thấy được khi đưa ra quyết định của mình.
1. Quy định chung về Công ty TNHH một thành viên:
Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp, trong đó:
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
– Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được quyền phát hành cổ phần.
Hạn chế đối với quyền của chủ sở hữu công ty
– Chủ sở hữu công ty chỉ được quyền rút vốn bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác; trường hợp rút một phần hoặc toàn bộ vốn đã góp ra khỏi công ty dưới hình thức khác thì phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
Trường hợp chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho tổ chức hoặc cá nhân khác, công ty phải đăng ký chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày chuyển nhượng.
– Chủ sở hữu công ty không được rút lợi nhuận khi công ty không thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
2. Cơ cấu tổ chức quản lý Công ty TNHH một thành viên
Cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ sở hữu:
– Chủ sở hữu công ty có thể đồng thời là Chủ tịch Công ty có quyền cao nhất điều hành mọi hoạt động của Công ty.
– Chủ sở hữu Công ty có thể thuê Giám đốc hoặc đồng thời là Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty.
– Quyền của chủ sở hữu:
+ Quyết định nội dung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
+ Quyết định đầu tư, kinh doanh và quản trị nội bộ doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
+ Chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty cho tổ chức, cá nhân khác;
+ Quyết định việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty;
+ Quyết định tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản công ty;
+ Thu hồi toàn bộ giá trị tài sản của công ty sau khi công ty hoàn thành giải thể hoặc phá sản;
+ Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty\
Cơ cấu tổ chức quản lý của Công ty TNHH một thành viên do tổ chức là chủ sở hữu:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây:
– Thứ nhất: Chủ tịch công ty – Giám đốc hoặc Tổng giám đốc – Kiểm soát viên;
– Thứ hai: Hội đồng thành viên – Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Tổng giám đốc hoặc Giám đốc
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê với nhiệm kỳ không quá 05 năm để điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty.
Tiêu chuẩn để trở thành Giám đốc hoặc Tổng giám đốc:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Không thuộc các trường hợp ;
– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh của công ty.
Trách nhiệm: Chịu trách nhiệm trước pháp luật và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình
(Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên khác của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trừ trường hợp pháp luật, Điều lệ công ty có quy định khác)
3. Thủ tục thành lập Công ty TNHH 1 thành viên:
Hồ sơ bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu quy định tại Phụ lục I-2 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT;
– Điều lệ công ty;
– Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP;
– Danh sách người đại diện theo ủy quyền theo mẫu quy định tại Phụ lục I-10 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT.
– Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
+ Giấy tờ chứng thực cá nhân quy định tại Điều 10 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân;
+ Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức;
+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
Thủ tục thực hiện
Doanh nghiệp có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở kế hoạch và Đầu tư hoặc nộp trước hồ sơ qua mạng điện tử có sử dụng chữ ký số công cộng hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật chi tiết về thủ tục thành lập công ty TNHH một thành viên hoặc các loại hình doanh nghiệp khác, vui lòng liên hệ trực tiếp qua tổng đài tư vấn pháp luật hoặc trang web của côngTư vấn Blue Nghệ An để được tư vấn miễn phí.