Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của pháp luật, bất kỳ thay đổi nào về cư trú phải được đăng ký, mỗi người chỉ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại một nơi. Việc thay đổi nơi sinh sống khác với nơi đăng ký thường trú của cá nhân đều phải thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật. Công ty Tư vấn Blue Nghệ An gửi đến quý vị những thông tin về trình tự thủ tục khai báo tạm trú tạm vắng mới nhất như sau.
Nguồn Internet
Trình tự – thủ tục đăng ký tạm trú:
Công dân thực hiện đăng ký tạm trú khi thay đổi nơi ở mà không thay đổi nơi cư trú hoặc pháp luật quy định chưa đủ điều kiện thay đổi nơi thường trú.
Căn cứ Điều 30 Luật cư trú 2006 và các Điều 16, 17 Thông tư 35/2014/TT-BCA, trình tự – thủ tục đăng ký tạm trú bao gồm các bước sau:
Bước 1: Công dân chuẩn bị hồ sơ đăng ký tạm trú theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 35/2014/TT-BCA.
Bước 2: Nộp và tiếp nhận hồ sơ
Công dân nộp hồ sơ tại Công an xã, phường, thị trấn.
Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đối chiếu với các quy định của pháp luật về cư trú:
+ Trường hợp xét thấy hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì viết giấy biên nhận trao cho người nộp hồ sơ.
+ Trường hợp xét thấy hồ sơ đủ điều kiện nhưng thiếu thành phần hồ sơ hoặc biểu mẫu, giấy tờ kê khai chưa đúng, chưa đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cho người đến nộp hồ sơ bổ sung, thay đổi, sửa đổi và hoàn thiện hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện đăng ký thì không tiếp nhận và trả lời bằng văn bản cho công dân trong đó nêu rõ lý do.
Bước 3: Nhận kết quả
+ Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện, cơ quan cấp sổ tạm trú cho người dân, cán bộ chuyên môn căn cứ sổ tạm trú được cấp ghi vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu, thu lệ phí và trả kết quả cho người nộp hồ sơ theo ngày ghi trên giấy hẹn.
+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện: Cán bộ tiếp dân giao văn bản về việc không giải quyết đăng ký tạm trú , ghi vào sổ theo dõi giải quyết hộ khẩu.
Thời hạn giải quyết không quá 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ.
Trình tự – thủ tục khai báo tạm vắng:
Công dân phải thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng nếu thuộc một trong hai trường hợp như sau:
– Một là, người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; người bị phạt cải tạo không giam giữ; người bị kết án phạt tù nhưng được hưởng án treo; người đang bị quản chế, chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành; bị can, bị cáo đang tại ngoại khi đi khỏi nơi cư trú từ một ngày trở lên.
– Hai là, người trong độ tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên mà đi ra khỏi huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi người đó cư trú từ 03 tháng trở lên.
Trình tự, thủ tục khai báo tạm vắng bao gồm các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người nộp hồ sơ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khai báo tạm vắng bao gồm Phiếu khai báo tạm vắng và Giấy Chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ khác có giá trị thay thế. Nếu người khai báo thuộc trường hợp 1 nêu trên thì cần có thêm Văn bản đồng ý của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý người đó.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Cán bộ tiếp nhận kiểm tra, hướng dẫn nội dung khai báo của người khai báo. Nếu hồ sơ hợp lệ, đủ điều kiện thì tiến hành các bước khai báo tạm vắng cho công dân. Nếu xét thấy nội dung phiếu khai báo tạm vắng không đúng theo quy định hoặc hồ sơ khai báo tạm vắng thiếu, chưa hợp lệ thì chiến sĩ công an tiếp dân hướng dẫn người nộp hồ sơ sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Trả kết quả
Trong vòng thời hạn 01 ngày làm việc, nếu trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài không quá 02 ngày làm việc Công an xã, phường, thị trấn nơi người nộp hồ sơ cư trú thực hiện cấp Phiếu khai báo tạm vắng cho công dân.
Các lưu ý khi đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng:
Chủ thể đăng ký tạm trú:
Mặc dù pháp luật về cư trú quy định sổ tạm trú có thể cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân nhưng chủ thể tiến hành thủ tục đăng ký tạm trú chỉ có thể là cá nhân theo quy định tại Điều 17 Thông tư 35/2014/TT-BCA. Đối với hộ gia đình thì cử 01 người đại diện có đủ năng lực hành vi dân sự làm chủ hộ thực hiện đăng ký tạm trú. Ngoài ra, chủ hộ có thể ủy quyền cho một thành viên trong hộ thay mình thực hiện đăng ký tạm trú.
Trên đây là những thông tin về các trình tự thủ tục khai báo tạm trú tạm vắng mới nhất mà công ty Tư vấn Blue Nghệ An muốn chia sẻ với quý vị. Nếu còn vấn đề nào chưa rõ quý vị hãy liên hệ với đội ngũ của chúng tôi để được hướng dẫn thêm nhé.